Subscribe Via Email (Do Not Edit Here!)

Ảnh - Bằng chứng thép về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam

Các bản đồ, tư liệu và hiện vật này là bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Hơn 150 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm được trưng bày tại triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử”, khai mạc vào ngày 9/7/2013, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ở 28A Điện Biên Phủ, Hà Nội.

Sau đây là hình ảnh một số hiện vật tiêu biểu.
Mô hình bia chủ quyền do một đơn vị lính bảo an người Việt dựng trên đảo Hoàng Sa vào tháng 6/1938. Trên bia khắc dòng chữ bằng tiếng Pháp, nghĩa là: "Cộng hòa Pháp - Vương quốc An Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938".

19 châu bản (văn bản hành chính cấp nhà nước) phản ánh quá trình thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đã được giới thiệu tại triển lãm. Đây là bằng chứng cho thấy các vua triều Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề thực thi chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa thông qua việc liên tục cử người ra hai quần đảo để khảo sát, cắm mốc, vẽ bản đồ, cứu hộ cứu nạn với thuyền bè Việt Nam và các nước trong khu vực.

Những trang tư liệu về phủ Quảng Ngãi trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, trong đó có phản ánh việc triều đình nhà Nguyễn chiêu mộ dân đảo Lý Sơn bổ sung vào Đội Hoàng Sa kiêm quân Bắc Hải để đưa ra quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) khai thác hải sản và xác lập chủ quyền trên 2 quần đảo này.

Các trang trong bộ sách Quốc triều chính biên toát yếu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn dưới triều Duy Tân (1907 – 1916), miêu tả về hình thế, địa vực, cây cỏ, sử tích trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa và việc triều Nguyễn sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, người Lý Sơn đem thủy binh ra Hoàng Sa để đo đạc hải giới, cắm mốc chủ quyền và khai thác hải vật dưới triều Minh Mạng.

Đại Nam nhất thống toàn đồ do vua Minh Mạng cho vẽ vào năm 1838 có thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa bằng chữ Hán.

Bản đồ tỉnh Quảng Đông với phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, in trong Trung Hoa bưu chính dư đồ, do Trung Hoa Dân Quốc tái bản năm 1933.

Bản đồ An Accurate Map of Asia do Emanuel Bowen thực hiện, xuất bản tại Paris (Pháp) năm 1747.

Bản đồ đế chế Trung Hoa thể hiện phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, do Business Atlats, Rand McNally xuất bản tại Chicago (Mỹ), năm 1904.

Các ấn phẩm dư địa chí của Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 trở về trước đều khẳng định cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam.

Sự vụ lệnh (lệnh điều động) do chỉ huy hải quân quân đội Sài Gòn điều động quân nhân ra thay quân trấn giữ ở quần đảo Hoàng Sa vào năm 1969, tư liệu của UBND huyện Hoàng Sa.

Ẩn phẩm báo chí Sài Gòn trước 1975 ca ngợi những binh sĩ hải quân đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa.

Hàng chục ấn phẩm khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam đã được giới thiệu trong triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam những bằng chứng lịch sử".

Bên cạnh các ấn phẩm của Việt Nam, còn có các công trình nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, phủ nhận sự phi lý trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Triển lãm cũng trưng bày mẫu cát được lấy từ quần đảo thiêng liêng của đất nước.

Các loại ốc quý của Hoàng Sa - Trường Sa như mang hơi thở của các vùng biển đảo máu thịt về giữa Thủ đô Hà Nội.

Những lời tâm huyết của thế hệ trẻ về vấn đề chủ quyền biển đảo của đất nước.

Nhiều hình ảnh về công cuộc xây dựng đời sống văn hóa và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa cũng giới thiệu ở sân của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Theo KIẾN THỨC

0 comments:

Post a Comment