Subscribe Via Email (Do Not Edit Here!)

Ảnh - Anableps - Cá bốn mắt kỳ lạ

(Kienthuc.net.vn) - Dù có tên là 4 mắt nhưng thực tế loài cá này chỉ có 2 mắt. Đây là kết quả của một quá trình tiến hóa hàng triệu năm.


Cá bốn mắt (Anableps) là loài cá nhỏ sống ở sông vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ.


Mắt cá rất lạ, bề ngoài như mắt ếch, lồi ra trên đỉnh đầu. Mỗi mắt ở giữa có một màng ngăn ngang màu đen chia mắt thành hai phần bằng nhau, con ngươi và thủy tinh thể cũng chia đôi, trông như bốn mắt nên gọi là cá bốn mắt.


Cá bốn mắt có tinh thần cảnh giác rất cao. Hai mắt dùng trên mặt nước, hai mắt dùng trong nước.


Khi ngoi lên mặt nước để tìm côn trùng, hai mắt trên sẽ lộ ra ngoài không khí để ánh sáng lọt qua thủy tinh thể ngắn và rộng. Khi thấy con mồi, nó bật lên khỏi mặt nước để đớp.


Đây là loài động vật có xương sống duy nhất sử dụng “gương” để lấy ảnh sáng, thay vì sử dụng thấu kính để tập trung ánh sáng vào mắt.


Thức ăn của loài này gồm côn trùng, các loài động vật không xương sống, tảo và cá con.


Cá đực có một vây hậu môn đặc biệt phát triển. Thông qua vây này, chúng thụ tinh cho cá cái.


Cá cái mang thai trong vòng 3 tháng mới sinh hạ được từ 10-15 chú cá con, với chiều dài 4cm.

Ảnh - Những phát minh, sáng chế “ăn may” nhất mọi thời đại

(Kienthuc.net.vn) - Nhiều phát minh được tạo ra bởi sự nỗ lực nghiên cứu dày công của các nhà khoa học, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều phát minh được tạo ra một cách tình cờ, đầy may rủi.


Bỏng ngô. Năm 1894, tiến sỹ John Harvey Kellogg là người giám sát Viện dưỡng lão Creek Battle ở Michigan (Mỹ). Ông và em trai Will keith Kellogg của mình là những tín đồ thuộc giáo phái cơ đốc phục lâm. Cả 2 đã cùng tìm kiếm một loại thức ăn mới để cung cấp cho bệnh nhân mà vẫn tuân thủ được những quy tắc ăn kiêng nghiêm ngặt của giáo phái. Một lần Will vô tình để quên một ít lúa mì đã luộc ở ngoài, và nó bị ôi. Nhưng thay vì bỏ đi, ông đã cho nó vào máy cán. Không tạo ra hỗn hợp bột, họ nhận được rất nhiều mẩu vụn. Đem nướng nó, họ tạo ra được một thứ gọi là Granose-bỏng ngô. Hai anh em đã thử thực hành quá trình này với các loại ngũ cốc và với ngô. Vào năm 1906, Will lập nên công ty Kellogg, chuyên bán bỏng ngô.


Lò vi sóng. Năm 1945, kỹ sư nghiên cứu về ra-đa Percy Spencer đã tiến hành thử nghiệm với một ống chân không mới, gọi là Maghetron, trong khi đang cộng tác cùng Raytheon Corporation. Ông lấy làm tò mò khi một thỏi kẹo trong túi áo ông bị chảy ra. Ông đã thử nghiệm với bỏng ngô. Và từ đó ý tưởng về một chiếc lò vi sóng đã được nhen nhóm. Năm 1947, Raytheon tạo ra chiếc lò vi sóng đầu tiên với tên gọi Radarange.


Silly Putty- loại nhựa dẻo silicon của công ty Binney&Smith. Vào chiến tranh thế giới thứ 2, trong khi đang cố tạo ra một chất thay thế cho cao su tổng hợp, James Wright đã đánh rơi một giọt axit boric vào trong dầu silicon. Kết quả là đã tạo ra một hợp chất polyme hóa. Vài năm sau, năm 1950, chuyên gia marketing Peter Hodgson đã sử dụng hợp chất này làm đồ chơi và đặt tên nó là Silly Putty.


Pose-it Note là một tờ giấy nhỏ nhỏ, với một dải dính ở đằng sau, cho phép nó có thể dính được vào tài liệu, tường… Ý tưởng này được Arthur Fry đưa ra vào năm 1974 như một cách để đánh dấu trang trong bản thánh ca. Sản phẩm này được một nhân viên của công ty 3M phát hiện một cách tình cờ. Từ đó, sản phẩm này được giới thiệu và trở nên phổ biến trên toàn thế giới.


Saccharin là một loại đường nhân tạo được phát hiện một cách tình cờ vào năm 1879 bởi nhà nghiên cứu Constantine Fahlberg, người đang làm việc cho trường Đại học John Hopkins. Phát hiện của Fahlberg rất tình cờ, khi ông quên không rửa tay trước bữa ăn. Ông đã đánh đổ một hóa chất vào tay và khi cầm bánh mì lên ăn, ông thấy nó có vị ngọt đặc biệt.


Lò xo xoắn ốc Slinky. Trò chơi Slinky là một sản phẩm tình cờ được tạo ra vào năm 1943 khi kỹ sư Richard James đang nghiên cứu chế tạo ra bộ lò xo có thể đỡ và trợ lực cho các bộ phận nhạy cảm trên tàu. Trong một lần vô tình đánh rơi bộ lò xo khỏi kệ, ông thấy nó không rơi thẳng xuống sàn mà lại tự động nảy lên nảy xuống, lăn nhiều vòng qua kệ tủ, giá sách rồi mới đáp xuống sàn. Cái tên Slinky được vợ ông nghĩ ra và bắt đầu đem bán vào khoảng cuối năm 1945, trở thành một trong những món đồ chơi nổi tiếng nhất trên thế giới.


Khoai tây chiên là sản phẩm của đầu bếp George Crum. Ông là người đã tạo ra món ăn nhẹ có muối vào năm 1853 tại nhà hàng Moon Lake gần New York. Chán ngán với những lời phàn nàn rằng món ăn của mình ướt và không đủ độ giòn, ông đã thái mỏng khoai tây hết mức có thể và chiên lên với mỡ động vật, sau đó trộn thêm muối. Món ăn này của ông sau đó đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Pháo hoa được phát minh ra ở Trung Quốc 2.000 năm trước. Nhiều người cho rằng nó được tạo ra một cách tình cờ khi người đầu bếp trộn lẫn than, sulfur và nitrat kali, những chất thường thấy trong bếp của người Trung Quốc bấy giờ. Hỗn hợp này sau đó bị bốc cháy và khi dồn vào những ống tre, nó phát nổ.


Play-Doh là miếng đất sét không độc, nhiều màu sắc. Nó được phát minh một cách tình cờ vào năm 1955 bởi Joseph và Noah McVicker khi cặp vợ chồng này đang có gắng lau giấy dán tường.

Ảnh - Sức mạnh của lực lượng tàu ngầm phi hạt nhân của Nhật Bản

(Kienthuc.net.vn) - Dù không được phát triển tàu ngầm hạt nhân, nhưng lực lượng tàu ngầm phi hạt nhân của Nhật Bản cũng rất đáng gờm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.


Do hạn chế từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân. Và tất nhiên, tàu ngầm hạt nhân cũng là một trong những vũ khí bị cấm phát triển, sở hữu. Hiện nay, tuy hạm đội tàu ngầm Nhật Bản chỉ có tàu ngầm phi hạt nhân tấn công (gồm 16 chiếc) nhưng đó đều là “đối thủ đáng gờm” trang bị công nghệ tối tân, hoạt động ít tiếng ồn.


Đầu tiên là 11 tàu ngầm phi hạt nhân lớp Oyashio được Tập đoàn Kawaski và Misubishi thiết kế sản xuất trong giai đoạn 1994-2006. Tàu có lượng giãn nước 4.000 tấn khi lặn, dài 81,7m.


Tàu được thiết kế với nhiều hệ thống tự động nên thủy thủ đoàn chỉ cần 70 người (gồm 10 sĩ quan).


Lớp Oyashio được thiết kế với kiểu dáng giọt nước (kiểu thiết kế phổ biến tàu ngầm thế giới hiện nay). Trên thân tàu được phủ lớp ngói không phản xạ sóng âm thanh (“đối phó” với hệ thống định vị thủy âm). Vì thế, đây được xem là một trong những loại tàu ngầm ít gây tiếng ồn nhất khu vực châu Á.


Tàu được trang bị hệ thống radar trinh sát mặt biển, hệ thống định vị thủy âm (trên thân và kéo rê phía sau) đều do công nghiệp quốc phòng Nhật Bản phát triển. Về động lực, tàu trang bị hệ thống động cơ diesel-điện cho phép đạt tốc độ 20 hải lý/giờ dưới mặt nước.


Lớp tàu ngầm thứ 2 và cũng là hiện đại nhất của Nhật Bản mang tên Soryu được thiết kế dựa trên Oyashio với một số cải tiến về hệ thống động lực. Tàu có lượng giãn nước khoảng 4.200 tấn, dài 84m. Với thông số này, Soryu được coi như là tàu ngầm lớn nhất Lực lượng Phòng vệ mặt Biển Nhật Bản (JMSDF).


Vỏ tàu được làm bằng thép cường độ cao và bao phủ bằng lớp ngói không phản xạ sóng âm thanh để làm giảm và bóp méo tín hiệu của các hệ thống định vị thủy âm dùng để phát hiện tàu ngầm. Nội thất của tàu được thiết kế với khả năng cách âm tốt nhằm ngăn âm thanh từ các hoạt động bên trong tàu lọt ra ngoài.


Tàu ngầm Soryu thiết kế với 2 cánh ổn định ở 2 bên tháp chỉ huy, đuôi tàu được trang bị hệ thống bánh lái hình chữ X. Thiết kế này được đánh giá giúp tàu ngầm cơ động hơn.


Điểm nhấn trong thiết kế của tàu ngầm Soryu không chỉ biến nó thành tàu ngầm hiện đại nhất Nhật Bản mà còn là tàu ngầm hiện đại hàng đầu khu vực châu Á, đó chính là sự có mặt của hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập AIP. Hệ thống này cho phép tàu ngầm hoạt động lâu hơn dưới nước, giảm tiếng ồn. Hiện nay, ngay cả Trung Quốc vẫn chưa làm chủ được công nghệ AIP trên tàu ngầm.


Tàu ngầm lớp Soryu được trang bị hệ thống điện tử rất hiện đại với radar trinh sát mặt và hệ thống định vị thủy âm. Được đánh giá là có tính tự động hóa cao, nên Soryu cũng chỉ cần 65 người vận hành, dù lớn hơn Oyashiro một chút.


Về vũ khí, Oyashio và Soryu đều thiết kế với 6 máy phóng ngư lôi cỡ 533mm bắn được ngư lôi chống ngầm Type 89 (tầm bắn 50km) và tên lửa chống tàu UGM-84 Harpoon (tầm bắn 124km). Trong ảnh là cảnh phóng tên lửa UGM-84 từ dưới mặt nước.

Ảnh - Những bức ảnh giành giải Pulitzer về chiến tranh VN

(Kienthuc.net.vn) - Trong các năm 1965 - 1974, chủ đề chiến tranh Việt Nam đã "thống trị" các giải thưởng nhiếp ảnh Pulitzer danh giá.


Bức ảnh đoạt giải thưởng Pulitzer đầu tiên về chiến tranh Việt Nam là tác phẩm của nhiếp ảnh gia huyền thoại Horst Faas, phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP (Associated Press). Bức ảnh chụp ngày 19/3/1964, ghi lại cảnh một người dân Việt Nam ôm xác con trong khi toán lính biệt kích của quân đội Sài Gòn nhìn xuống từ xe thiết giáp. Đứa trẻ đã bị chết khi quân Sài Gòn truy đuổi du kích Giải phóng trong một ngôi làng gần biên giới Campuchia. Bức ảnh đã đoạt giải Pulitzer năm 1965.


Năm 1966, đề tài chiến tranh Việt Nam tiếp tục giành giải thưởng danh giá của Pulitzer. Đó là bức ảnh của phóng viên Kyoichi Sawada, hãng thông tấn UPI (United Press International) ghi lại cảnh một bà mẹ Việt Nam cùng 4 đứa con lội qua một dòng sông ở Bình Định để chạy trốn khỏi những cuộc không kích từ máy bay Mỹ. Bức ảnh được chụp trong năm 1965.


Từ năm 1968, giải thưởng nhiếp ảnh Pulitzer được chia thành hai hạng mục: Ảnh vấn đề sự kiện (Feature Photography) và Ảnh tin tức (Spot News Photography). Ở hạng mục Ảnh vấn đề sự kiện của năm đó, phóng viên Toshio Sakai của hãng thông tấn UPI đã giành được giải thưởng với bức ảnh có tên “Mơ về một thời kỳ tốt đẹp hơn” (Dreams of Better Times), ghi lại cảnh những người lính Mỹ nghỉ ngơi dưới cơn mưa nặng hạt ở Việt Nam.


Năm 1969, phóng viên ảnh nổi tiếng Edward T. Adams (Eddies Adams) của hãng thông tấn AP giành giải thưởng Pulitzer cho hạng mục Ảnh tin tức với bức ảnh “Vụ hành quyết Sài Gòn” (Saigon Execution), ghi lại cảnh tướng "Sáu Lèo" Nguyễn Ngọc Loan bắn thẳng vào đầu chiến sĩ đặc công Nguyễn Văn Lém trên đường phố Sài Gòn vào ngày 1/2/1968, khoảng thời gian đầu của cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân.


Năm 1972, phóng viên David Hume Kennerly của hãng thông tấn UPI giảnh giải thưởng Pulitzer của hạng mục Ảnh vấn đề sự kiện với loạt ảnh về các điểm nóng xung đột trên thế giới năm 1971, trong đó có cuộc chiến tranh Việt Nam.


Năm1973, phóng viên ảnh Huỳnh Công Út (Nick Út) của hãng thông tấn AP giành giải thưởng của hạng mục Ảnh tin tức với bức ảnh “Sự khủng khiếp của chiến tranh” (The Terror of War), ghi lại cảnh cô bé 9 tuổi Kim Phúc bỏ chạy trong hoảng loạn vì bỏng bom napalm trong một cuộc không kích sai địa chỉ của không quân Mỹ tại Trảng Bàng, Tây Ninh, ngày 8/6/1972. Bức ảnh này đã đi vào lịch sử với cái tên “Em bé Napalm”.


Năm 1974, phóng viên ảnh Slava Veder của AP giành giải Pulitzer của hạng mục Ảnh vấn đề sự kiện cho bức ảnh “Niềm vui vỡ òa” (Burst of Joy). Bức ảnh được chụp tại căn cứ không quân Travis (California, Mỹ) ngày 17/3/1973, ghi lại cảnh tù binh chiến tranh, Trung úy Robert L.Stim được gia đình chào đón khi trở về từ Việt Nam, ngày 17/3/1973.

Ảnh - Vườn quốc gia Yellowstone, Mỹ

From: Tinh Tế

Được thành lập từ năm 1872, vườn quốc gia Yellowstone là vườn quốc gia đầu tiên trên thế giới và được xem là biểu tượng về tài nguyên thiên nhiên của nước Mỹ. Năm 1978, vườn quốc gia Yellowstone cũng đã được công nhận là di sản thế giới. Yellowstone có hệ sinh thái hết sức đa dạng và luôn nằm trong danh sách những khu vực cần được bảo tồn nhất hành tinh. Yellowstone nằm ở vùng Tây Bắc của nước Mỹ, hầu hết diện tích núi, rừng và đồng cỏ thuộc bang Wyoming, nhưng nó còn kéo dài qua cả Idaho và Montana. Yellowstone có những loài động vật quý hiếm như chó sói, gấu đen, linh miêu, hươu sừng tấm, bò rừng Bizon…

Địa hình ở Yellowstone cũng rất phong phú với sông hồ, vực, hẻm núi, đồng cỏ cùng rất nhiều thác nước đẹp. Vườn quốc gia Yellowstone được hình thành sau nhiều hoạt động phun trào của núi lửa. Đây là nguyên nhân của hiện tượng địa nhiệt đặc trưng, các mạch nước phun và suối nước nóng nổi tiếng ở Yellowstone. Các bạn có thể tham khảo thêm thông tin về Vườn quốc gia Yellowstone tại đây! Còn sau đây mời các bạn xem một bộ ảnh về khu vườn quốc gia này.


Một chiếc cầu vồng xuất hiện dưới chân thác Yellowstone River Lower, tại vườn quốc gia Yellowstone, Wyoming, Mỹ, 21/06/2011.


Một con chó sói đồng cỏ đi săn mồi trên thung lũng Lamar ở vườn quốc gia Yellowstone, Wyoming, 20/06/2011.


Một cây mọc trên ốc đảo nhỏ bị ngập nước trên hồ Yellowstone, ở vườn quốc gia Yellowstone, 21/06/2011.


Khách du lịch xem miệng giếng phun “Old Faithful”, mỗi 90 phút sẽ phun một lần, ở vườn Yellowstone, 01/06/2011.


Một đàn hươu sừng tấm chạy ngang thung lũng Hayden, ở vườn quốc gia Yellowstone, 21/06/2011.


Một con vịt “mình đỏ mỏ xanh” hạ cánh trên mặt hồ đảo nổi (Floating Island Lake) ở vườn quốc gia Yellowstone, 24/06/2011.


Hai chú gấu xám chơi đùa trên tuyết ở thung lũng Hayden, vườn quốc gia Yellowstone, 24/06/2011.


Hồ “Morning Glory” bắt nguồn từ một mạch suối nước nóng với màu sắc đặc biệt do loại vi khuẩn giống tảo có màu nâu, da cam và vàng phát triển trong dòng nước mát, biến màu xanh của hồ trước kia thành màu xanh lá cây và một vòng tròn màu vàng và đỏ bao quanh nó. Nguyên nhân làm nó đổi màu được cho là bởi các đồng tiền xu mà khách du lịch ném xuống để cầu may mắn. Hoá chất từ các đồng xu đã khiến cho một số vi khuẩn phát triển làm đổi màu nước của hồ như hiện nay.


Suối nước nóng Grand Prismatic, lớn nhất ở Mỹ và lớn thứ 3 thế giới, ở vườn quốc gia Yellowstone, 22/06/2011.


Dãy núi Absaroka ở phía Đông Bắc của vườn Yellowstone lúc Mặt Trời mọc, 22/06/2011.


Đàn bò rừng Bizon bơi qua sông Yellowstone.


Một con bò rừng Bizon lắc mình để rảy nước trên thân sau khi bơi qua sông Yellowstone.


Khách du lịch quan sát chó sói ở thung lũng Hayden, thuộc vườn quốc gia Yellowstone, 20/06/2011.


Một con sóc chuột duỗi mình trong lúc xin thức ăn ở vườn quốc gia Yellowstone, 02/06/2011.


Hàng cây bên bờ sông Yellowstone.


Một người câu cá trên sông Firehole, ở vườn quốc gia Yellowstone, Wyoming, 21/06/2011.


Một con chó sói ngậm cặp chân của con hươu sừng tấm ở thung lũng Hayden, sau khi giết chết nó và ăn thịt, tại vườn quốc gia Yellowstone, 20/06/2011.


Suối nước nóng Grand Prismatic ở vườn quốc gia Yellowstone, Wyoming, Mỹ.


Một bức ảnh cận cảnh suối nước nóng Grand Prismatic.


Một dòng suối uống khúc qua thung lũng Hayden, vườn quốc gia Yellowstone.


Một con gấu đen bơi trong hồ Rainy, gần thác Tower, ở vườn quốc gia Yellowstone, 20/06/2011.


Làn hơi bốc lên từ các mạch nước phun và suối nước nóng trong lòng chảo Biscuit Basin, ở vườn quốc gia Yellowstone.


Anh Michael Smith (giữa), chuẩn bị bữa tối cho cậu con trai Paker Smith và cô Vợ Stacy Smith, khi họ cắm trại ở gần Norris, ở vườn quốc gia Yellowstone, 23/06/2011.


Miệng giếng phun “Old Faithful” phun nước ở vườn quốc gia Yellowstone, 22/06/2011.


Một đàn bò rừng Bizon nhởn nhơ gặm cỏ trên thung lũng Lamar, ở vườn quốc gia Yellowstone, 20/06/2011.


Bóng của một cây thông in trên bề mặt của một vách đá bazan hình cột, gần thác Tower, ở vườn quốc gia Yellowstone, 22/06/2011.


Một con hươu sừng tấm đực với lớp nhung mịn trên chiếc gạc gặm cỏ gần Madison trong vườn quốc gia Yellowstone, 19/06/2011.


Thác Lower ở hẻm núi lớn Yellowstone (Yellowstone Grand Canyon) ở vườn quốc gia Yellowstone, 02/06/2011.


Du khách đứng bên cạnh thác nước Yellowstone River Lower cao 93m ở vườn quốc gia Yellowstone, 24/06/2011.


Một con bò rừng Bizon cọ thân mình vào một cột nước cứu hoả để giúp gỡ bỏ những thứ dính trên lớp lông, bên ngoài khách sạn Mammoth Hot Springs, ở vườn quốc gia Yellowstone, 15/05/2011.


Dòng nước chảy trên suối nước nóng Mammoth, ở vườn quốc gia Yellowstone. Mammoth nổi tiếng là suối trầm tích carbonate lớn nhất thế giới.


Một con bò non trong đàn bò rừng Bizon ở thung lũng Lamar trong vườn quốc gia Yellowstone. Theo ước tính có khoảng 3.000 cá thể bò rừng Bizon sống ở vườn này.


Một con sói xám và bầy con non ở vườn quốc gia Yellowstone, 04/05/2011.


Cát trắng từ các mạch nước phun (trước) và một phần hồ Yellowstone bị đóng băng tại vịnh mạch nước phun West Thumb (West Thumb Geyser Basin), ở vườn quốc gia Yellowstone.


Một con gấu đen đi qua cánh đồng cỏ xanh rì gần hồ Rainy, ở vườn quốc gia Yellowstone, 20/06/2011.


Suối nước nóng Sunset Lake với màu sắc độc đáo do các loại vi khuẩn giống tảo đa sắc màu sống trong nước tạo nên.


Bùn và nước sôi trong vườn quốc gia Yellowstone.


Một tấm ảnh chụp đêm ở miệng giếng phun “Old Faithful” trong vườn quốc gia Yellowstone, 23/06/2011.


Một con cáo đi săn mồi gần thác Tower ở vườn quốc gia Yellowstone, 24/06/2011.


Các tảng đá trầm tích có từ rất lâu do các dòng sông băng nằm rải rác trên thung lũng Lamar ở vườn quốc gia Yellowstone, 23/06/2011.


Một con gấu đen chạy trên cây cầu bắc ngang qua sông Yellowstone, gần thung lũng Lamar, trong vườn quốc gia Yellowstone, 24/06/2011.

Nguồn: The Atlantic